Bạn là một nhà lãnh đạo với kỹ năng chuyên môn tuyệt đỉnh, dạn dày kinh nghiệm, chăm chỉ và nỗ lực không ngừng trong công việc. Đây là những điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta đi từ choáng ngợp, sợ hãi đến thích nghi với sự thông minh đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo và các sản phẩm công nghệ. Vậy, sẽ ra sao nếu một ngày nào đó chúng ta được lãnh đạo bởi những chú Robot được lập trình một cách bài bản?
Tương lai ấy có thể sẽ còn xa. Nhưng tôi cho rằng, nếu cơn “đại hồng thủy” của công nghệ có quét qua lãnh địa của những nhà lãnh đạo, thứ duy nhất có thể giúp chúng ta có được tấm vé bước lên “con thuyền Noah” chính là Trí tuệ cảm xúc (EQ).
Đề cập đến Trí tuệ cảm xúc trong một chương trình phát triển kỹ năng và chuyên môn cho lãnh đạo, FedEx Express phát hiện 72% người tham gia có sự phát triển vượt bậc về kỹ năng ra quyết định, 60% cải thiện được chất lượng sống và 58% nâng tầm sức ảnh hưởng.
Trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Intelligence Quotient) là một loại trí thông minh liên quan đến khả năng làm chủ cảm xúc trong các hoạt động nhận thức khác. EQ bao gồm các yếu tố: nhận thức cảm xúc (nhận diện và gọi tên cảm xúc), xử lý cảm xúc (tìm hiểu nguyên nhân, những vấn đề liên quan dẫn đến cảm xúc) và quản lý cảm xúc (điều chỉnh, cân nhắc đưa ra các quyết định phù hợp).
Trong nghiên cứu về Thuyết đa trí tuệ (Multiple Intelligences), nhà tâm lý học Howard Gardner cho rằng các bài kiểm tra IQ chỉ đánh giá khả năng tư duy ngôn ngữ và năng lực lập luận trong toán học chứ chưa đánh giá tổng quát năng lực trí tuệ của con người. Đối với người Do Thái – dân tộc thông minh nhất thế giới, có 3 chỉ số thông minh quan trọng, mà IQ chỉ là một phần trong đó. Cụ thể, họ trình bày cách giáo dục các thế hệ và đánh giá năng lực con người qua công thức thành công: 20% IQ + 80% (AQ+EQ) = 100% (AQ là viết tắt của Adversity Quotient – Chỉ số vượt khó).
Trong cuốn sách Trí tuệ cảm xúc trong kinh doanh, tác giả Colleen Stanley từng chỉ ra rằng: “Khi các cá nhân và đội ngũ cải thiện được kỹ năng trí tuệ cảm xúc của mình, họ sẽ nhận lại được nhiều thành quả to lớn về tài chính, doanh số bán hàng sẽ đi lên, khách hàng sẽ mua nhiều hơn và giới thiệu cho bạn nhiều khách hàng khác”.
Có thể thấy, Trí tuệ cảm xúc chiếm một phần quan trọng trong công việc lẫn đời sống. Ý thức được sức mạnh của EQ và rèn luyện để nâng cao nó là điều cần thiết với tất cả mọi người. Các yếu tố góp phần hình thành Trí tuệ cảm xúc có thể kể đến như:
Từ những quan sát và trải nghiệm thực tế của mình, tôi nhận ra rằng, Trí tuệ cảm xúc chi phối khả năng lãnh đạo từ những việc nhỏ nhất. Đơn cử như câu chuyện xoay quanh chiếc áo đồng phục ở một doanh nghiệp Bất động sản mà tôi từng làm việc.
Anh CEO bấy giờ có hai lựa chọn: áo xanh lá viền trắng và áo trắng viền xanh lá ở cổ, tay và túi áo. Tôi đưa ra lời khuyên nên chọn áo trắng vì 3 lý do sau: màu sắc nhã nhặn; đặc thù các bạn nhân viên kinh doanh thường mặc vest, vì vậy màu trắng sẽ dễ kết hợp với các loại trang phục hơn và sau cùng là độ bền của áo, so với áo màu xanh sẽ rất dễ bạc màu sau vài tháng giặt, phơi.
Kết quả là sau khi lắng nghe, anh ấy vẫn chọn theo sở thích của mình, với chiếc áo đồng phục màu nền xanh lá. Sau khi triển khai, anh ấy còn phải nhọc công nghĩ thêm quy chế xử phạt đối với nhân viên không mặc đồng phục đi làm. Nếu lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu, tâm lý nhân viên một chút, vấn đề nhân viên than phiền, không thích áo đồng phục của công ty sẽ không phát sinh và gây ảnh hưởng (không đáng có) tới các công việc khác.
Tôi nhận thấy, đây chính là biểu hiện của một người lãnh đạo chưa có nhận thức về sự cần thiết của EQ (và cũng là độc giả lý tưởng của bài viết này). Anh ấy không có đủ dũng khí nhìn nhận điểm chưa tốt của mình, chưa cởi mở đón nhận cái mới và khả năng nhận thức về những đánh giá, nhận xét của những người xung quanh về bản thân chưa tốt. Những điều này còn biểu hiện ở việc anh ấy thường gửi những thông tin cá nhân (không liên quan đến công việc chung vào nhóm công ty, câu lạc bộ…).
Trong giao tiếp hàng ngày cũng như điều phối, quản lý công việc, khả năng truyền tải thông điệp của anh ấy rất dễ gây hoang mang, hiểu lầm và không có trọng tâm. Vì vậy, tôi đã chọn rời đi chỉ sau hai tháng. Những câu chuyện được tôi nêu ra không nhằm mục đích chê bai hay công kích cá nhân nào, chúng được kể với thông điệp rằng, Trí tuệ cảm xúc là cần thiết, là có thể rèn luyện, và bạn chưa làm tốt không có nghĩa là không thể cố gắng.
Quay lại câu chuyện công nghệ đã đề cập ở đầu bài viết, chúng ta sẽ cùng thử trả lời cho câu hỏi: “Ai thông minh hơn AI?” Sự ra đời của ChatGPT và các phần mềm tương tự đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh con người khỏi “ảo tưởng biết tuốt”. Thế nhưng, làm chủ và sử dụng hiệu quả những công cụ này cũng là một câu chuyện rất đáng quan tâm.
Tôi cho rằng, người thông minh hơn AI là người có Trí tuệ cảm xúc (EQ) cao. Khi xem AI như là một “xích tử” – đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, những gì mà bạn nhận được từ nó chính là kết quả của việc bạn “nuôi dạy” nó. Hãy học cách giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, học cách sử dụng ngôn ngữ đúng, văn phong chỉn chu và đặt mình vào vị trí của AI – thấu hiểu và ý thức được khả năng trả kết quả cho những câu hỏi của bạn. Linh hoạt và thích ứng tốt với mọi sự thay đổi cũng chính là biểu hiện của một người có EQ cao.
Có thể nói, nâng cao Trí tuệ cảm xúc cũng chính là quá trình rèn luyện kỹ năng lãnh đạo của bạn, trước hết là lãnh đạo chính mình, sau là làm chủ, quản lý tốt mọi vấn đề trong cuộc sống. Bằng nhiều cách khác nhau mà các bạn có thể tìm đọc từ những nghiên cứu, phân tích tâm lý, hành vi liên quan đến Trí tuệ cảm xúc, việc rèn luyện và nâng cao nó chỉ còn là ở hành động của bạn.
Vì Trí tuệ cảm xúc có thể được cải thiện đáng kể từ những trải nghiệm sống, nên tôi tin rằng việc thực hành đọc và viết cũng là một cách cải thiện hiệu quả. Khi ý thức được sức mạnh của EQ, bạn sẽ dần nhận ra và biến Trí tuệ cảm xúc thành trợ thủ đắc lực của mình trong lãnh đạo và kinh doanh nói chung.
Dương Tống - CEO HomeNext, OnHomeAsia,
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lanh-dao-bang-tri-tue-cam-xuc-yeu-to-song-con-cho-quan-tri-thoi-dai-moi-a10539.html