Ông Nguyễn Ngọc Quý: “Du lịch Quảng Bình lan toả chương trình “mỗi người dân là một hướng dẫn viên-một đại sứ du lịch”

Du lịch Quảng Bình được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao trong thời gian vừa qua. Xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch Quảng Bình đã có những chiến lược cụ thể về hướng đi trong thời gian sắp tới. Nhà Quản Lý đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình về những kế hoạch và chiến lược để có hướng phát triển đưa du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển hơn.

PV: Thưa ông, tin vui của du lịch Quảng Bình là con số thống kê trong mùa du lịch năm nay tăng đột biết. Vậy chắc hẳn trong những năm qua đã có những chiến lược kích cầu rầm rộ?

Ông Nguyễn Ngọc Quý: Năm 2020 và năm 2021, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, trong đó có giải pháp về kích cầu, thu hút khách du lịch đến Quảng Bình, cụ thể như:

Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu về giảm 20%, 50% mức thu phí tham quan theo Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về giảm mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về giảm mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2022, đối với một số sản phẩm du lịch chủ lực, đã được khách du lịch nội địa và quốc tế lựa chọn, yêu thích khi đến Quảng Bình. Việc triển khai Nghị quyết này đã góp phần thu hút khách du lịch, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tạo đà phục hồi ngành du lịch Quảng Bình.

z4428610224246-c05dec85f6b03b1ccf247ff9ffc8e72e-1686695849.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chào đón du khách đến với tỉnh Quảng Bình.

Tổ chức làm việc với các hãng hàng không (Vietnam Airline, Vietjet Air, Bamboo Airway) để đưa ra các chương trình kích cầu, ưu đãi riêng như Vietnam Airline cung cấp vé ưu đãi cho các đơn vị lữ hành tại Hà Nội xây dựng các sản phẩm trọn gói kết hợp giữa các dịch vụ hàng không và các dịch vụ mặt đất Hà Nội - Đồng Hới; Bamboo Airway có gói kích cầu 1.000 vé với mức giá giảm đến 60% cho các đoàn khách chặng Hà Nội - Đồng Hới với tổng giá trị lên đến 2 tỷ đồng; Vietjet Air cung cấp vé 0 đồng và vé ưu đãi lớn tới các công ty lữ hành để xây dựng sản phẩm kết hợp du lịch từ Hà Nội đến các điểm du lịch nổi bật tại Quảng Bình...

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình kích cầu riêng như các chương trình tham quan du lịch nội tỉnh, du lịch trọn gói; các ưu đãi kép, vừa giảm sâu giá tiền phòng vừa tặng kèm vé tham quan, hỗ trợ checkin sớm, giảm hoá đơn tiệc cho du khách..., thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Thực tế cho thấy những chương trình kích cầu triển khai thời gian vừa qua đã góp phần tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển du lịch. Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên đón khá

PV: Những năm qua, du lịch Quảng Bình cũng như toàn quốc đều không thoát khỏi vùng xoáy của hậu Covid 19, vậy chính sách của du lịch Quảng Bình đã làm gì để có “cú hích” ngoạn mục giúp các doanh nghiệp du lịch thoát khỏi sự khó khăn?

Ông Nguyễn Ngọc Quý: Suốt hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Bình đã đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch bền vững. Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đã được triển khai hiệu quả như:

Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với các doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai phương án sản xuất kinh doanh.

Công tác giải quyết các chế độ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh theo các chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện, giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... được thực hiện kịp thời, quyết liệt và đồng bộ.

Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, sẵn sàng đón khách cũng như đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, việc duy trì kết nối thông tin với doanh nghiệp được thực hiện liên tục, thường xuyên. Các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp luôn được quan tâm, ghi nhận để đưa ra phương án giải quyết cụ thể. Mặc dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 và quay trở lại hoạt động bình thường.

z4428610239216-f565a43628098e98980f55f08ea62174-1686695849.jpg
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều chính sách thu hút du khách trong thời gian qua.

PV: Thưa ông, với những người làm du lịch, câu chuyện quảng bá và xúc tiến luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy chính sách của tỉnh về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Quý: Công tác quảng bá, xúc tiến là một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhiệm vụ này luôn được Sở Du lịch quan tâm triển khai thực hiện.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút khách du lịch hàng năm (Kế hoạch số 510/KH-UBND ngày 07/4/2021; Kế hoạch số 396/KH-UBND ngày 17/3/2022; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 16/02/2023). Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch trên các nền tảng số du lịch Quảng Bình, kênh số, tạp chí chuyên ngành, đa dạng về hình thức và phong phú, chuyên biệt về nội dung cho từng thị trường khách.

Phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương về cung cấp thông tin, đăng tải bài viết, hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Bình; phối hợp với các hãng truyền thông, truyền hình quốc tế thiệu du lịch Quảng Bình đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, truyền thông qua các sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Thực hiện chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt qua người nổi tiếng, người viết nhật ký du lịch (travel blogger), người dẫn dắt quan điểm (KOLs); tổ chức các hoạt động quảng bá, du lịch tại các hội chợ, sự kiện du lịch lớn trong nước. Thiết kế các ấn phẩm du lịch Quảng Bình có ứng dụng các công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về thông tin của khách du lịch. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong tổ chức, truyền thông các sự kiện, lễ hội nổi bật, góp phần quảng bá hình ảnh, cảnh quan, giá trị văn hóa của Quảng Bình.

Du lịch Quảng Bình lan toả chương trình "mỗi người dân là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch" để người dân thêm yêu, thêm tự hào và hiểu rõ vùng đất mình đang sống, trở thành một kênh quảng bá du lịch hiệu quả.

Duy trì sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng.

Triển khai các hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, khối liên kết các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh/thành phố là trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước theo các kế hoạch hợp tác, liên kết trong năm 2022...

Việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian qua đã góp khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch trong nước, đồng thời góp phần mang đến những kết quả quan trọng của ngành du lịch trong thời gian qua, đó là động lực để ngành du lịch tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu “đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

z4428610227212-f5231e3a375716bfcfbcb15c0c0ddfe6-1686695829.jpg
 

PV: Câu chuyện mùa vụ của du lịch Quảng Bình luôn là bài toán khó. Vậy theo ông chúng ta đã có những chính sách kích cầu gì?

Ông Nguyễn Ngọc Quý: Tính mùa vụ là một trong những bài toán khó khăn lâu nay của ngành du lịch. Ngoài ra, xu hướng du lịch có sự thay đổi lớn sau đại dịch Covid-19. Để khắc phục tính mùa vụ trong du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách sau dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo, khác biệt, thu hút. Hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng, phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, hạn chế tính mùa vụ của du lịch. Năm 2022, công ty TNHH MTV Chua Me Đất đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm du lịch “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Vào tháng 5/2023, Công ty cũng đã đưa vào phục vụ khách du lịch mô hình homestay thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa… Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng Suối Nước Nóng Bang Onsen resort của công ty TNHH MTV Trường Thịnh dự kiến đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch dịp hè năm 2023. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã chủ động nghiên cứu các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, trải nghiệm du lịch nông thôn tại các làng nghề truyền thống... nhằm thu hút khách du lịch đến Quảng Bình vào nhiều thời điểm trong năm.   

Một số doanh nghiệp đã chủ động phối hợp xây dựng cuốn sách “Lookbook Quảng Bình mùa Đông-Xuân” nhằm giới thiệu những trải nghiệm mới lạ, khác biệt, thu hút khách du lịch đến Quảng Bình vào mùa đông - xuân, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh.

Những bước đi ban đầu đó khẳng định nỗ lực của ngành du lịch Quảng Bình nhằm triển khai tổ chức hoạt động quanh năm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.

z4428613704136-e44ff6a80e8446ff56a67697543ab278-1686695850.jpg
Du lịch Quảng Bình hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước.

PV: Thưa ông, trong năm vừa qua được biết Quảng Bình phát hiện nhiều hang động mới, ông chia sẻ tin vui này?

Ông Nguyễn Ngọc Quý: Được mệnh danh là “vương quốc hang động”, vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống địa mạo được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng nhiều hang động lớn nhỏ có giá trị nổi bật, ngoại hạng. Tuy nhiên bên cạnh những hang động đã được khảo sát chi tiết và sơ bộ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cùng các khu vực khác trong tỉnh còn chứa đựng nhiều hang động bí ẩn chưa được khám phá. Tháng 4 vừa qua, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện thêm 22 hang động mới với tổng chiều dài 11,7km, trong đó có 20 hang tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa và 2 hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Các hang động vừa được phát hiện đa phần là hang ướt, nhỏ nhưng có điểm khác biệt so với nhiều hang động đã tìm thấy ở Quảng Bình, như: hệ thống hang mới này có rất nhiều hướng ra vào khác nhau; có những hang thông nhau, có nhiều lối đi ngang thú vị; có một số phần của những lối đi ngang không bị ngập hoàn toàn, có kiến tạo rất đẹp. Ngoài ra, có một hang sâu 278m với thác nước chảy xuống và có thể vẫn còn sâu hơn nữa bởi tại thời điểm khảo sát, đoàn thám hiểm vẫn chưa xuống tới đáy. Các chuyện gia cũng dự đoán vẫn còn rất nhiều hang động mới ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Trong số những hang động mới được phát hiện, có một số  hang động phù hợp để phát triển du lịch, tuy nhiên cần có quá trình nghiên cứu, kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn, độ cao trần, dòng chảy, địa mạo, địa chất...

PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Nhà Quản Lý cuộc trò chuyện này!

Đinh Loan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-nguyen-ngoc-quy-du-lich-quang-binh-lan-toa-chuong-trinh-moi-nguoi-dan-la-mot-huong-dan-vien-mot-dai-su-du-lich-a10530.html