Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn là mô hình nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hoà các – bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Sáng 12/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. 

20230612-083005-1686562717.jpg

Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” diễn ra sáng 12/6.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đặc biệt nhịp tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng..., trong đó, việc thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.

z4425840285607-8f6a9ddb4003aa8129b6eccb887b2c56-1686559685.jpg

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc diễn đàn

Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, CIEM đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. 

Theo đó, Quyết định 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện CIEM đã đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như sau: “Ở Việt Nam đã có một số nhóm chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn, song còn thiếu nhiều. Một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện nhưng là những mô hình kiểu cũ như mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC), mô hình tái chế rác thải nhựa… Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập, cộng thêm hạn chế về năng lực khiến các doanh nghiệp không dám mạnh dạn theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn.” 

Có thể thấy lợi ích của kinh tế tuần hoàn là rất lớn, song để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...

Dựa trên thực tế, ông Dương đề xuất 6 nhóm chính sách thử nghiệm, bao gồm: (1). Chính sách khu công nghiệp – khu kinh tế; (2). Chính sách phân loại xanh; (3). Chính sách tư vấn công nghệ - chuyển giao công nghệ; (4). Cchính sách tín dụng xanh – trái phiếu xanh; (5). Chính sách đào tạo lao động và (6). Chính sách đất đai.

Với các đề xuất của CIEM, ông Dennis Quennet – Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của GIZ bày tỏ sự tán thành và đóng góp ba khuyến nghị từ kinh nghiệm của Đức. 

Thứ nhất, ông Dennis Quennet cho rằng, thời gian thử nghiệm cần đủ nhiều để chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Thái độ của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ chia 2 loại, hoặc sẵn sàng hoặc chần chừ triển khai.

Thứ hai, gắn cơ chế thử nghiệm với những trọng tâm bằng việc xác định tính khả thi nhân rộng cơ chế thử nghiệm. Khi thử nghiệm không chỉ thúc đẩy việc triển khai mà còn rút ra bài học kinh nghiệm cho việc nhân rộng tới các doanh nghiệp, hướng tới toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, chuyên gia GIZ cho rằng, tài chính kinh tế tuần hoàn là yếu tố quan trọng. GIZ đã phối hợp với các đối tác Việt Nam xây dựng cơ chế phân loại xanh, tài chính xanh.

Về vai trò của Tài chính xanh trong phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa tới thông tin: Chuyển động tài chính xanh của Việt Nam thời gian qua đã đạt một số tín hiệu tích cực. Từ năm 2021, Việt Nam tham gia các tiêu chuẩn trái phiếu xanh, bền vững ASEAN. Tín dụng xanh từ 2017 – 2022 tăng 22%/năm, dư nợ được đánh giá rủi ro có tính đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chiếm gần 20% dư nợ nền kinh tế.

ong-vo-tri-thanh-1686559685.jpg

Ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh trình bày tham luận

Tuy nhiên, những con số này vẫn ở mức sơ khai, nhìn nhận về tài chính xanh còn mờ nhạt. Trong khi đây là yếu tố quan trọng, cần có cơ chế rõ ràng hơn và an toàn trong luật, chính sách.

Do đó, ông Thành đóng góp một số kiến nghị như: Kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh phải là một trọng tâm trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn như một lĩnh vực đầu tư gắn với tăng hiệu quả chuỗi cung ứng, cụm liên kết ngành và đổi mới sáng tạo; tập trung nỗ lực “xanh hoá” tài chính; lộ trình phát triển hệ thống tài chính xanh qua 3 giai đoạn, trong đó, tiến tới mục tiêu cuối cùng đến năm 2050 sẽ vận hành toàn diện hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: (1) Trung gian tài chính xanh, (2). Các công cụ huy động vốn xanh, (3). Các doanh nghiệp đầu tư xanh và (4). Thị trường tài chính xanh.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thuc-day-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-tai-viet-nam-a10523.html