VietinBank chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng quy mô vốn, nhưng không có tài sản bảo đảm

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa có thông báo chào bán đợt 1 50 triệu trái phiếu.

Trong đó, bao gồm 20 triệu trái phiếu CTG2230T2/01, kỳ hạn 8 năm và 30 triệu trái phiếu CTG2232T2/01, kỳ hạn 10 năm ra công chúng.

Số lượng trái phiếu này thuộc dạng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của VietinBank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, lãi suất của các trái phiếu này là lãi suất thả nổi, áp dụng cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu. Trong đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 8 năm bằng lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm; Lãi suất trái phiếu có kỳ hạn 10 năm bằng lãi suất tham chiếu + 1,3%/năm.

Lãi suất tham chiếu là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam, trả sau, kỳ hạn 12 tháng (hoặc mức lãi suất của kỳ hạn tương đương) được công bố tại ngày xác định lãi suất trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng tham chiếu. Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 8/6 - 20/7/2023.

345450576-117264531370648-6818316237503924385-n-1686280972.jpeg
Trái phiếu mà VietinBank chào bán ra công chúng nhưng không có tài sản đảm bảo.

Phía VietinBank cho hay, lô trái phiếu này được phát hành ra công chúng với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động; tăng vốn cấp 2. Đồng thời, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiếp đó là thực hiện cho vay nền kinh tế, bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023, VietinBank đạt 5.980 tỷ đồng, tăng 2,7% so với quý 1/2022. Các mảng kinh doanh chính của nhà “bank” này có kết quả khả quan so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 1/2023 tăng 24,8%, đạt 12.666 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 56,5% lên hơn 2.000 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng tới 49,6% lên 1.172 tỷ đồng. Trong khi lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ hoạt động thu hồi nợ) giảm 45,7% xuống 1.019 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong quý 1/2023 của VietinBank đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động tăng nhẹ hơn, tăng 12,9% lên 4.314 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) tiếp tục được cải thiện xuống 25,3%, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

VietinBank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tăng tới 52% so với cùng kỳ lên 6.723 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng chỉ tăng nhẹ dù các mảng kinh doanh có kết quả lãi khả quan.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,6% lên hơn 1,33 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 1,9% lên 1,27 triệu tỷ đồng.

Tương tự nhiều nhà băng khác, cơ cấu tiền gửi tại VietinBank tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) điều chỉnh từ 20% hồi đầu năm xuống mức 18% vào cuối tháng 3.

Nợ xấu ngân hàng tăng 1.234 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương ứng tăng 7,8% lên 17.035 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,24% lên 1,28%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm từ 188% xuống 173%.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietinbank-chao-ban-5000-ty-dong-trai-phieu-ra-cong-chung-de-tang-quy-mo-von-nhung-khong-co-tai-san-bao-dam-a10512.html