Tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh bên cạnh việc ban hành chính sách ưu đãi, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành quy định xác định rõ đối tượng cũng như các tiêu chí của đối tượng được hưởng nhằm tránh trục lợi.
"Pháp luật đã quy định rõ các đối tượng được mua nhà ở xã hội như: Người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và khu vực đô thị, người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, lực lượng vũ trang, công chức viên chức…", ông nói.
Theo ông Sinh, điều kiện mua nhà ở xã hội cũng phải đáp ứng như chưa có nhà ở, có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10 m2/người. Thu nhập không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân - tức thu nhập dưới 11 triệu đồng sau khi giảm từ gia cảnh. Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được mua nhà ở xã hội 1 lần.
Về trình tự tiếp nhận hồ sơ nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ tiếp nhận, lập danh sách người dự kiến mua gửi Sở Xây dựng và phối hợp cơ quan liên quan, rà soát danh sách để cập nhật... Sau đó tiến hành tổ chức bốc thăm. Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch nhằm đảm bảo không trục lợi chính sách và đúng đối tượng được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương thanh, kiểm tra và rà soát. Từ đó, làm rõ tình trạng việc mua bán nhà ở xã hội và chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu có sai sót. Nếu trường hợp phát hiện ra mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì phải thu hồi.
"Khi phát hiện có trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì cương quyết phải thu hồi nhà ở. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải xác định đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chí và quy định đã đề ra...", ông Sinh cho biết.
Về giải pháp lâu dài, ông Sinh cũng cho hay, các bộ ngành và địa phương đang tích cực triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội sau khi được phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được mua nhà ở xã hội; quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán loại hình nhà ở này.
Trước đó, trả lời trước các đại biểu Quốc hội về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cơ quan này đã hướng dẫn, ủy quyền cho UBND các tỉnh kiểm tra thủ tục pháp lý và lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Danh sách được công khai và làm căn cứ để các ngân hàng cho vay.
Đến nay có 100 dự án và các địa phương có nhu cầu vay hơn 9.610 tỷ đồng từ gói 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Bình Định muốn vay 1.832 tỷ đồng; Phú Thọ là 441 tỷ; Đà Nẵng 545 tỷ; Trà Vinh 420 tỷ; Bắc Giang 4.527 tỷ và Hải Phòng 3.892 tỷ đồng.
"Chương trình mới triển khai hơn một tháng và gói tín dụng này cho cả giai đoạn đến năm 2030, nên sẽ có thêm nhiều địa phương, dự án tham gia", Bộ trưởng Nghị cho biết.
Ông nói thêm, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế như sửa quy định tại Luật Nhà ở và các pháp luật khác để triển khai hiệu quả nhất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 là 1,2 triệu căn. Có 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, cả nước mới hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với 155.800 căn.
Quang Khải
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/se-thu-hoi-nha-o-xa-hoi-neu-khong-ban-dung-doi-tuong-a10483.html