Vài ghi nhận về thực trạng quản lý đất đai và khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đất đai và khoáng sản, đạt được những kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó ở một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là trong hoạt động khai thác, quy hoạch đất đai, có dấu hiệu chưa đúng quy định pháp luật. Có thể nói, quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực… Việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện khiến dư luận nghi vấn về sự câu kết giữa các "nhóm lợi ích" trong thực thi, cũng như quản lý khai thác tài nguyên.

Từ góc nhìn pháp lý…

Thời gian vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác khoáng sản và đặc biệt là khai thác dưới lòng sông. Theo đó, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép, thu hồi giấy phép khai thác đối với các đơn vị đã được cấp phép nếu như không tuân thủ các quy định của pháp luật khi khai thác, để xảy ra vi phạm.

Điển hình như văn bản số 41/UBND-TNMT ngày 06/01/2023 về việc công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp đến, ngày 13/03/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 85/KH-UBND tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Mới đây, ngày 31/03/2023, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành kế hoạch số 113/KH-UBND định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 15/CT-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố về quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về điều kiện hoạt động của bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông theo quy định của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan. Chủ trì đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng đối với từng loại khoáng sản, đặc biệt với khoáng sản là cát, sỏi.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định, tham mưu UBND thành phố cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi) bảo đảm đúng quy định của pháp luật; đồng thời, báo cáo, đề xuất thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, yêu cầu thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng sản (cát, sỏi) không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Kiên quyết không tham mưu UBND thành phố gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Từ những chỉ đạo, quyết định và kế hoạch quyết liệt trên đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó ở một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quan điểm và đánh giá của lãnh đạo một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, đều nhận định, công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông còn nhiều hạn chế, vẫn tồn tại tình trạng khai thác trái phép chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, trong khi chưa có nguồn vật liệu xây dựng thay thế; lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn. Do vậy đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, lợi dụng giấy phép khai thác được UBND các tỉnh giáp ranh cấp phép; lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ của các lực lượng chức năng để hoạt động, dẫn đến tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra, khó xử lý dứt điểm.

Nghị định số 23/2020/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông được thể hiện rất rõ tại Điều 8.
Theo đó, nguyên tắc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, phải bảo đảm các nguyên tắc khi cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản và các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, hoạt động khai thác được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Thứ hai, trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trước khi cấp phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là địa phương giáp ranh.
Thứ ba, trước khi cấp phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Trên cơ sở các quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ, Tòa soạn Nhà Quản Lý xây dựng chuyên đề “Phát triển kinh tế địa phương: Góc nhìn từ thực trạng quản lý hoạt động khai thác khoáng sản", qua đó đã nghiên cứu chính sách và khảo sát thực tiễn tại một số địa phương để minh chứng cho Chuyên đề, trong đó có Tp. Hà Nội. Trong quá trình ghi nhận thực tế, đã nhận thấy được những thuận lợi và cả hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những mỏ cát sỏi được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, thì vẫn còn tồn tại một số điểm khai thác cát sỏi có dấu hiệu hoạt động chưa đúng quy định, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Đến thực tiễn quản lý của chính quyền địa phương...

Tại thời điểm giữa năm 2023, Phóng viên Tạp chí Nhà Quản Lý nhận được thông tin phản ánh  người dân về tình trạng hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội diễn ra rầm rộ, công khai trong thời gian dài khiến dư luận "xôn xao".

Theo đó, tình trạng khai thác cát dưới lòng sông vẫn diễn ra rầm rộ. Nhiều tàu hút cát cỡ lớn nằm cách bờ sông mấy chục mét thò vòi xuống sông hút cát từ lòng sông lên. Hiện có đoạn bờ sông tại đoạn này đã có tình trạng sạt lở, sụt lún.

Theo người dân địa phương, việc hút cát này được thực hiện từ sáng đến chiều tối hàng ngày mà không hề có sự kiểm tra giám sát từ các lực lượng chức năng. Các tàu đều khai thác cách bờ sông Hồng mấy chục mét.

Từ phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí Nhà Quản Lý đã có mặt trong các ngày 24,25/4 - 16,17,18/5 ghi lại hình ảnh về hoạt động khai thác cát sỏi phép trên sông Hồng.

Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế, Phóng viên Tạp chí Nhà Quản Lý đã nắm bắt được quy luật hoạt động của các đối tượng khai thác cát sỏi nói trên. Các đối tượng sử dụng tàu công suất lớn cùng tàu hút tự hành cỡ lớn để khai thác cát. Hoạt động khai thác cát sỏi trái phép diễn ra đến khoảng 19h -20h, nếu phát hiện “có biến” các đối tượng có thể nghỉ sớm hơn. 

da-qua-gio-quy-dinh-nhung-nhung-voi-bach-tuoc-van-cam-sau-moc-ruot-long-song-tan-thu-tai-nguyen-pld-1685504208.jpg

Đã quá giờ quy định nhưng những vòi bạch tuộc vẫn cắm sâu “móc ruột” lòng sông, tận thu tài nguyên.

Trong khi đó theo quy định về khai thác cát sỏi lòng sông, doanh nghiệp chỉ được phép khai thác cát sỏi từ 7h sáng đến 17h, không được phép khai thác ban đêm.

Hoạt động khai thác cát trái phép còn khiến bãi bồi, bờ sông bị sạt lở. Khu vực sạt lở kéo dài hàng trăm mét. Cùng với đó một phần bãi nổi giữa sông Hồng đang có nguy cơ biến mất do ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát trái phép.

Theo Điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sống và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông như sau: Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn quy định của nội dung sau đây: Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm, quy định về thời gian khai thác trong năm.

Trước thực trạng “cát tặc” hoạt động trên sông Hồng như hiện nay, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. 

Qua đây, Tạp chí Nhà Quản Lý đưa ra một số nhận định căn cứ trên cơ sở thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của nhân dân và đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, kính chuyển tới cơ quan chức năng UBND Tp. Hà Nội xem xét sự việc, giải đáp kiến nghị của nhân dân, và thanh, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi như thực tiễn có đúng với quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Trách nhiệm quản lý nhà nước và khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 81 – Luật Khoáng sản quy định như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương.
b) Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền;
c) Lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định của Chính phủ;
d) Công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép;
đ) Cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền;
e) Giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;
h) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;
i) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;
k) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, các nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;
c) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;
d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;
đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Nhóm PV

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vai-ghi-nhan-ve-thuc-trang-quan-ly-dat-dai-va-khoang-san-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-a10440.html