Vừa qua (24/05/2023), NHNN đã có thông báo giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của NHNN là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại.
Đây là lần thứ 3 cơ quan quản lý này giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, NHNN cũng đã điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Trước những điều chỉnh từ phía NHNN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục đích giảm lãi suất điều hành lần này cũng không nằm ngoài các mục tiêu như trước nay chúng ta vẫn nói chính là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và tăng trưởng. Đây là mục tiêu cơ bản cho động thái giảm lãi suất điều hành vừa rồi.
Thứ hai, mục đích hỗ trợ và phát triển cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hồi phục, từ đó giúp phát triển kinh tế tốt hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm đi.
Việc NHNN đi ngược lại với xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng thế giới, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế, các nước khác có lạm phát tương đối cao và điều kiện kinh tế xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, do đó họ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Còn tại Việt Nam, thời gian qua đã có sự ổn định lạm phát trong nền kinh tế, kinh tế cũng đã hồi phục và tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng có cơ hội để ổn định tỷ giá hối đoái cũng như tăng trưởng phát triển tốt. Cho nên việc giảm lãi suất điều hành cũng là điều đương nhiên khi nền kinh tế Việt Nam ổn định và tăng trưởng.
Thực tế, việc giảm lãi suất đã được đề nghị với NHNN từ cuối năm trước, tạo tiền đề để các ngân hàng thương mại (NHTM) có điều kiện giảm lãi suất huy động cũng như cho vay ra nền kinh tế.
Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 13,0%, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3%. Riêng tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 16,2%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,5% (thấp hơn mức tăng của tháng 3, riêng bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 9,7%). Rủi ro suy giảm sản xuất và xuất khẩu tiếp diễn khi PMI tháng 4/2023 giảm chỉ còn 46,7 điểm.
Ngoài ra, VDSC cũng nhìn nhận thấy một số điểm thuận lợi cho quyết định của NHNN khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
Theo VDSC, quyết định của NHNN được đặt trong bối cảnh có một số điểm thuận lợi khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
VDSC đánh giá, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,2 – 0,5 điểm %.
Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.
Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1 điểm % so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC nhận định vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5 - 1 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: Không ai muốn một môi trường lãi suất cao cả. Không có chuyện NHTW muốn cao, NHTM muốn cao và chỉ doanh nghiệp muốn lãi suất thấp. Lãi suất vẫn ở mức cao do một số nguyên nhân chính như: rủi ro lạm phát; Tâm lý chung là người dân gửi tiền phải có lãi suất thực dương; Mức độ rủi ro của nền kinh tế, của bản thân doanh nghiệp và một số ngành kinh tế còn cao khiến áp lực nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém nên đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một cách thiếu lành mạnh.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.
Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.
Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.
TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn. Đó là tác động cộng sinh.
Mai Ngọc
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/goc-nhin-chuyen-gia-truoc-cac-dong-thai-dieu-chinh-lai-suat-dieu-hanh-cua-nhnn-a10439.html