Chúng tôi đã có cuộc đối thoại cùng ông Phạm Hải Quỳnh –Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC)
PV: Thưa ông, hiện nay du lịch cộng đồng được xem là du lịch phát triển bền vững, không chỉ công ty khai thác du lịch mà những người dân và địa phương cùng được hưởng lợi. Một số địa phương như Huế, Quảng Nam, Quảng Bình... đã xây dựng được làng du lịch cộng đồng. Tạo ra một hệ thống du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch văn hóa… Vậy theo ông, cái khó của du lịch cộng đồng là nằm ở điểm nào?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Du lịch cộng đồng căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác, để dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững; dần chuyển đổi từ các nghề trước đây để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.
Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Ở đây, người dân địa phương sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở cho họ và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Đồng thời, giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị truyền thống khác của người dân. Song song với đó, họ có thể kiếm thu nhập với tư cách là người quản lý đất đai, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất hoặc nhân viên. Hơn nữa, nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch cũng sẽ được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản bên cạnh việc giúp đỡ cư dân địa phương duy trì cuộc sống đơn thuần.
Từ năm 2015 đến nay, tôi bắt đầu có những sáng kiến kết nối cộng đồng địa phương và tạo lập các mô hình du lịch cộng đồng, khởi đầu từ Quan Lạn - Vân Đồn (Quảng Ninh). Tiếp đó tới Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum...
Về kinh tế, du lịch cộng đồng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt tạo sinh kế, cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương.
Về văn hóa, các mô hình du lịch cộng đồng góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tạo điểm khác biệt để thu hút du khách tới các địa phương miền núi, hải đảo. Phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực..., góp phần tới công chúng và du khách.
Xác định du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đang tiếp tục đồng hành để hỗ trợ các địa phương có định hướng rõ ràng, nhận định và phân tích giá trị của từng cộng đồng. Từ đó, tư vấn và hỗ trợ xây dựng các cộng đồng du lịch đạt chuẩn. Qua đó mang lại giá trị cho cộng đồng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, các dự án cũng hỗ trợ phát triển phần mềm về đào tạo, marketing, hoàn thiện sản phẩm, giúp bà con có sự nhìn nhận đúng đắn về phát triển du lịch cộng đồng.
PV: Du lịch cộng đồng được xem là du lịch bền vững, những người dân trong cộng đồng và địa phương tham gia đều được hưởng lợi, vậy thưa ông trong bối cảnh tình hình hiện nay du lịch cộng đồng phát huy những ưu thế gì?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Khi xây dựng các làng du lịch cộng đồng, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch. Với tiêu chí, du lịch xanh, du lịch bền vững và dần chuyển đổi từ các nghề trước đây, để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.
Chính vì vậy, các làng du lịch cộng đồng mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam xây dựng đến nay đã thu hút nhiều lược khách đến trải nghiệm dịch vụ. Từ đó, bà con thu lại những nguồn lợi từ du lịch, và gắn kết cộng đồng với nhau. Những làng xã được hỗ trợ kết nối du lịch cộng đồng đã được tập huấn, đào tạo làm du lịch và đến nay đã có tên trên bản đồ du lịch.
PV: Thưa ông, hình như du lịch cộng đồng đang là cụm từ khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, vì lâu nay chúng ta chỉ nói về các điểm đến, chứ ít khi nhắc đến du lịch cộng đồng. Vì du lịch cộng đồng là du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, vùng miền của một địa phương, và hình như loại hình du lịch này thu hút du khách ngoại hơn?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Trước đây, có thể nói du lịch cộng đồng xa lạ với người dân Việt Nam và thu hút khách nước ngoài, nhưng những năm gần đây thì khái niệm trên không còn chính xác. Ví dụ, 2 làng du lịch cộng đồng là A Nôr, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế và Ta Lang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam xây dựng từ cuối năm 2019. Ở thời điểm trước khi có dịch, 2 làng du lịch cộng đồng này đã đón tiếp tới 80% lượng khách đến là ở trong nước. Hay Quảng Bình có bản Rum Ho của bà con Bru Vân Kiều, hiện nay đã đưa vào đón khách.
Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chon khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó. Từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.
PV: Ông có thể chia sẻ cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng, và tiêu chí nào để có thể làm du lịch cộng đồng? Theo ông, để phát huy du lịch cộng đồng có hiệu quả cần phát huy những điều gì?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Để phát huy du lịch cộng đồng thì chúng ta cần hiểu và nhìn nhận rõ thế nào là du lịch cộng đồng, cách lựa chọn, hoàn thiện và khai thác du lịch cộng đồng như thế nào. Vai trò của chính quyền, của cộng đồng. Vai trò của cộng đồng du lịch và cộng đồng làm du lịch địa phương, gắn kết như thế nào thì lúc đó du lịch cộng đồng mới thật sự có bước đi chuẩn.
Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.
Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “Cộng đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó, chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản.
Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam đã tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Nhưng trực tiếp triển khai thì đã có A Nôr của Huế là mô hình được đánh giá cao, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khen tặng là làng du lịch phát triển vì cộng đồng.
Ngoài ra, làng du lịch Kon Cơ Tu của Kon Tum cũng là một mô hình khởi đầu khá thành công. Mô hình du lịch cộng đồng là phong cảnh làng quê yên bình, đường làng, ngõ xóm được phát quang, sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường.
Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như xay lúa, giã gạo, úp cá, hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước.
PV: Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất giá trị của nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững.
Một nền du lịch bền vững, người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hấp dẫn du lịch mà dân cư tại chỗ tham gia vào phục vụ nhu cầu của du khách.
Để phát huy du lịch cộng đồng thì chúng ta cần hiểu và nhìn nhận rõ thế nào là du lịch cộng đồng, cách lựa chọn, hoàn thiện và khai thác du lịch cộng đồng. Nên có cách nhìn khách quan về vai trò của chính quyền, của cộng đồng và cộng đồng làm du lịch địa phương gắn kết như thế nào thì lúc đó du lịch cộng đồng mới thật sự có bước đi đúng hướng.
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở các bản làng, góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái... Qua đó, tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng xã.
Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con. Góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng. Hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng và khu bảo tồn ngày càng tốt hơn.
Đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào. Với du lịch cộng đồng, du khách sẽ có được những trải nghiệm mang tính truyền cảm hứng về văn hóa và thiên nhiên dựa trên những khía cạnh đặc biệt trong cuộc sống của dân địa phương.
Lúc này, tất cả mọi người đều có được những lợi ích nhất định: người dân địa phương và doanh nghiệp được hỗ trợ để phát triển hơn nữa nhờ du khách, du khách trở về nhà sau chuyến đi trong hài lòng và cảm giác được gắn kết hơn
Du lịch cộng đồng có thể giúp tái xây dựng sinh kế của người dân địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự cân bằng, tính bền vững về tài chính và xã hội. Điều này có nghĩa là với các nước đang phát triển. Đặc biệt là các nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng có thể đảm bảo một bước đột phá cho thành công du lịch trong tương lai.
Ở Quảng Bình, chúng tôi đã hỗ trợ bà con Bản Rum Ho. Bản Rum Ho nằm trong vùng đệm của khu dự trữ Thiên nhiên Động Châu Khe Nước Trong, không có điện và sóng điện thoại. Trong năm 2022 khi Động Châu – Khe Nước Trong được đưa vào hoạt động du lịch, nhiều bà con được Du lịch Cộng đồng tập huấn, phục vụ du lịch. Có những hộ gia đình đã cải tạo nhà mình thành homestay để phục vụ du khách lưu trú ở lại.
Hiện tại Rum Ho đã đón khách. Đồng thời đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách, cũng như phát huy hiệu quả của cộng đồng làm du lịch.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-pham-hai-quynh-lam-du-lich-cong-dong-phai-vi-cong-dong-a10375.html