Ngày 9/5, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tiến hành Đại hội cổ đông bất thường. Chỉ vài giờ trước khi đại hội diễn ra, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thông qua hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ 400 triệu cổ phần BAV sang ông Lê Thái Sâm - người cho FLC vay tín chấp. Kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu Bamboo Airways để có thêm tiền được Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên tiết lộ trong phiên họp thường niên hôm 4/3.
Theo nghị quyết do Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên ký, HĐQT FLC sẽ thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways (BAV) cho ông Lê Thái Sâm. HĐQT FLC cũng thông qua dự thảo văn bản thoả thuận và các phụ lục đính kèm đến việc ông Sâm tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền. Khoản tiền này giúp FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn, giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của tập đoàn đang được cầm cố, thế chấp.
HĐQT FLC đồng ý ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của Tập đoàn FLC tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm, tương ứng với toàn bộ số cổ phần BAV thuộc sở hữu của FLC.
FLC Group đang đầu tư 4.015 tỷ đồng, tương ứng 21,7% vốn của Bamboo Airways. Đến cuối năm 2022, FLC ước tính đã trích lập dự phòng tổn thất 3.642 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, tương đương với việc Bamboo Airways có số lỗ lũy kế gần 16.783 tỷ đồng.
Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, được bầu làm thành viên HĐQT doanh nghiệp này hồi tháng 7 năm ngoái. Ông chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn". Đến giữa tháng 8/2022, ông Sâm tiếp tục được bầu làm thành viên HĐQT tại Bamboo Airways.
Trước khi tiếp nhận số cổ phần trên, ông Sâm cũng đã sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu Bamboo Airways từ các cổ đông khác. Đáng chú ý, ông Sâm đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways theo công bố của hãng hồi tháng 6/2021, nắm giữ 56%. Hợp đồng có hiệu lực từ 10/3/2023, khoảng 1 năm sau khi ông Quyết vướng vào vòng lao lý. Chi tiết về hợp đồng chuyển nhượng như số lượng cổ phần và giá trị không được công bố. Tuy nhiên quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng này cũng được ông Sâm thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của FLC, công ty đang nợ ông Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng với 4 hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm. Các khoản vay trên được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.
Tính đến ngày 10/4/2023, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi là 7.727 tỷ đồng (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, không tài sản đảm bảo).
Trong văn bản kiến nghị về việc chuyển cổ phần FLC thông báo, ông Sâm cho biết đang sở hữu 231,7 triệu cổ phần BAV, tương ứng 12,53% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Như vậy, gộp cả phần FLC vừa chuyển nhượng, ông có thể nắm đến hơn 34% vốn Bamboo Airways.
Ông Sâm kiến nghị Bamboo Airways phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ với số lượng 1,15 tỷ cổ phần theo hình thức chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông. Số lượng cổ phần sau phát hành (dự kiến) là 3 tỷ cổ phần, tương ứng giá trị theo mệnh giá là 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng cổ phần phát hành cho các chủ nợ để hoán đổi thành cổ phần (dự kiến) là 772 triệu cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 7.720 tỷ đồng. Số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược (dự kiến) là 378 triệu cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 3.780 tỷ đồng. Tỷ lệ số lượng cổ phần dự kiến phát hành/Tổng số cổ phần sau phát hành (dự kiến) là 38,3% và không hạn chế.
Trả lời câu hỏi cổ đông về việc liệu ông Lê Thái Sâm có nắm giữ trọng trách lớn hơn tại Bamboo Airways, Phó tổng giám đốc Nguyễn Khắc Hải nói "cũng chưa thể biết được", tuỳ thuộc vào đóng góp của ông Sâm trong tương lai và sự ủng hộ của cổ đông. "Tôi mong ông Sâm có vai trò nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho Bamboo Airways", ông Hải cho hay.
Mỹ Huyền