Sông Gianh, Sông Son, Sông Kiến Giang, Sông Nhật Lệ mỗi dòng sông đều mang trong mình những câu chuyện từ thuở đi khai thiên lập đất, đến hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống giặc. Thời hòa bình, các dòng sông này cũng mang trong mình bao nhiêu câu chuyện về cuộc sống, của những người dân lao động ở hai bên bờ sông. Vẻ đẹp rực rỡ của những con sông đã thu hút được rất nhiều du khách đến đây để chiêm ngưỡng, cũng như tận hưởng cái không gian cuộc sống ở nơi này.
Sông Gianh - Dòng sông Mẹ bao dung
Sông Gianh bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi, cao 2.017 m, thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
Sông Gianh dài khoảng 160 km, phần thượng lưu của con sông có tên là Rào Nậy. Với những đặc điểm địa vật lý và địa chất dị thường của Rào Nậy - Hoành Sơn, một nhánh khác là Rào Son có động Phong Nha - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới.
Trong lịch sử, sông Gianh được gọi theo tên chữ là Linh Giang. Nếu Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Cồ Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập năm 939, thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc. Trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069), thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786). Con sông này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672).
Dòng sông này cũng gắn với huyền thoại "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1558, Nguyễn Hoàng, một danh tướng thời Lê Trung Hưng, con thứ của Nguyễn Kim, sợ bị Trịnh Kiểm mưu hại, đã xin vào trấn thủ Thuận Hoá, mở đầu nhà Nguyễn sau này.
Sông Gianh từ ngàn xưa, là con sông nằm chính giữa châu Bố Chính, thời Nguyễn Hoàng là ranh giới của 2 châu: Nam Bố Chính - Chúa Nguyễn, Bắc Bố Chính - Chúa Trịnh, là ranh giới huynh đệ tương tàn suốt 200 năm. Gần 18 thế kỷ đã đi qua, trên mảnh đất Nam Bắc ở cuối dòng sông Đại Linh Giang này, những người dân ở đây nối tiếp nhau, đi qua nhiều thế hệ đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chiến đẫm máu và đau thương.
Ngày nay, đôi bờ sông Gianh vẫn bình dị và trầm mặc theo thời gian. Trải dài theo sông là những xóm làng thuần nông, làng văn hóa, làng nghề. Sông Gianh nay đã nối đôi bờ bằng chiếc cầu kết cấu vĩnh cửu từ bê tông cốt thép. Tượng đài chiến thắng Sông Gianh, cảng Gianh, cầu Gianh… hôm nay sừng sững và uy nghi dưới trời xanh chính là điểm tựa lịch sử vững vàng. Cũng là minh chứng cho sự chuyển mình và đi lên của vùng đất có nhiều huyền thoại này.
Với vẻ đẹp lung linh và hùng vỹ của mình, dòng sông Giang chất chứa sự thơ mộng của vùng đất Quảng Bình, tạo nên sự mê hoặc đối với du khách bốn phương. Hiện Công ty Chua Me Đất đã đưa vào khai thác tuyến Sông Son - Sông Gianh, với tên gọi "Đi Đi Thôi".
Sông Son: Dòng sông di sản
Nếu như sông Gianh là dòng sông mẹ bao dung và mang nhiều đau thương từ cuộc chiến phân chia Trịnh- Nguyễn. Thì dòng sông Son thơ mộng và xinh đẹp lại gắn liền với truyền thuyết về nguồn gốc của tên dòng sông Son. Một truyền thuyết cho rằng, vì vào đầu thế kỷ 19, quân Tây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh giết chết nhiều tại sông này, máu loang ra đỏ cả dòng sông.
Truyền thuyết khác kể về một chuyện tình giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà nghèo. Mặc dù bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối, cô gái vẫn sắt son. Cuối cùng hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn. Người dân quanh vùng cảm động trước mối tình của cả hai người nên đặt tên là sông Son. Tuy nhiên, nhiều người địa phương nói rằng gọi là sông Son vì vào mùa mưa lũ, nước sông rất đỏ. Một phần thượng nguồn của sông chảy ngầm trong các núi đá vôi và chảy ra từ cửa động Phong Nha.
Con sông này còn được người bản địa gọi với một cái tên hết sức dân dã: sông Tróc. Đây là một chi lưu của sông Gianh. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729m, chảy ngầm trong các núi đá vôi và chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Nó hợp lưu với sông Gianh tại gần thị trấn Ba Đồn. Dòng sông chảy lượn uốn cung theo chân núi và ôm sát những nương ngô, bãi chuối cạnh những xóm nhà rải rác bình yên. Hai bên bờ sông phong cảnh thanh bình. Dòng sông này hòa với bóng nước trời mây, núi non trùng điệp tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Điều đặc biệt của dòng Son, chính là nằm trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, nên được người dân ở đây hết sức bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường… Đặc biệt, đến đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon, mà độc đáo như món cá trắm, tôm cọng, tôm càng, cá chình hoa… Du khách sẽ say lòng cùng cảnh đẹp và món ngon tại sông Son. Điều đặc biệt, dòng sông này được gọi là dòng sông du lịch của Quảng Bình. Vào mùa cao điểm, lưu lượng người đi lại không thể nào kể hết. Có thời điểm cả vài trăm người lưu thông trên sông. Với sông Son, người dân vùng di sản đã có hưởng lợi và bảo vệ nguồn tài nguyên mà mẹ thiên nhiên ban tặng.
Sông Nhật Lệ: Dòng sông mộng mơ
Sông Nhật Lệ còn có tên là Đại Uyên, được đổi thành sông Nhật Lệ khoảng năm 1069-1075. Nhật Lệ là một trong những dòng sông tuyệt đẹp của vùng đất miền Trung. Tên sông có nghĩa là "sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời" đã được ngợi ca trong câu thơ cổ của Hồ Thiên Du: "Nhật chi lệ bất vô chi chúc giả" (sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được).
Mỗi sáng mai, khi ông mặt trời nhô lên khỏi cồn cát Bảo Ninh, đứng ở bờ nam sông Nhật Lệ nhìn về hướng đông sẽ thấy con sông lấp lánh sáng rực rỡ suốt dọc chiều dài hàng trăm mét. Ánh sáng của mặt trời phủ chiếu dòng sông, lung linh rực rỡ.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Lê Văn Hưu, cái tên Nhật Lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 11. Theo giải thích của bộ sử cổ này, Lệ được hiểu là đẹp. Còn một cách giải thích khác gắn với những truyền thuyết mà dân gian đã thêu dệt nên, thì: “Nhật Lệ nghĩa là nước mắt của những cuộc chia tay”… Nhiều truyền thuyết, huyền thoại đã được thêu dệt nhằm giải mã cho cái tên “Nhật Lệ”. Có người viện dẫn việc vương phi Mỵ Ê của vua nước Chiêm Thành Xạ Đẩu đã trầm mình trên dòng sông để thủ tiết sau khi vua Lý Thái Tông thân hành đem binh chinh phạt Chiêm Thành năm 1044.
Hay dòng sông này tương truyền còn là nơi chứng kiến cuộc chia tay cuối cùng của Huyền Trân công chúa với vua cha Trần Nhân Tông và hoàng tộc trước khi lên đường vào làm dâu xứ người…
Năm 1306, công chúa Huyền Trân trên hành trình đường biển vào Chiêm Thành, đến vùng cửa biển Nhật Lệ, nàng đã xin lên bộ để được tận mắt thấy dải đất 2 châu Ô, Lý mà cuộc “nước non ngàn dặm ra đi” của mình mang về cho tổ quốc. Cảm thương cho bậc kiều nữ của hai đất nước đã lặng lẽ đánh rơi những giọt lệ buồn man mác mà người xưa đã gọi tên dòng sông là Nhật Lệ . Mặc cho có nhiều hàm ẩn về tên gọi, nhưng dòng sông Nhật Lệ thì vẫn luôn là chứng tích của lịch sử mở cõi, là chứng nhân đi cùng những thăng trầm của lịch sử phát triển dân tộc Việt. Cùng với đó, những áng thơ bất hủ có giá trị nghệ thuật trường tồn với thời gian của vua Lê Thánh Tông, hay của Đại thi hào Nguyễn Du được chấp bút tại đây đã làm cho thắng cảnh Nhật Lệ lấp lánh hơn trong dòng lịch sử Quảng Bình và của dân tộc.
Dọc trên sông Nhật Lệ có bến phà Quán Hàu, một địa danh quen thuộc đối với khách bộ hành xuôi ngược Bắc – Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, bến phà Quán Hàu là trọng điểm bắn phá ác liệt của kẻ thù, bởi đây là huyết mạch giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A giữa hậu phương lớn Miền Bắc với chiến trường Miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia. Với khẩu hiệu “Phà chờ xe, quyết không để xe chờ phà”, những chiến sỹ công binh đã anh dũng dùng canô rà phá từng loạt bom từ trường, thủy lôi của giặc Mỹ thả xuống để bảo vệ cho những chuyến phà chở lương thực, đạn dược qua sông Nhật Lệ thông suốt.
Dù chiến tranh có tàn khốc, lịch sử có những lúc thăng trầm, nhưng nhìn về chiều sâu văn hóa thì Nhật Lệ vẫn là dòng sông đẹp như đúng tên gọi của nó. Nhật Lệ, nơi chứng nhân của một thời chia xa tình cảm máu mủ đó là nước mắt nàng Huyền Trân công chúa. Con sông cũng như mẹ hiền, nhận vào lòng dòng nước mắt con dân chảy xuống trong những tháng năm đất nước chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài. Và trong cuộc kháng chiến bảo vệ non sông đất nước, dòng Nhật Lệ chứng kiến hình ảnh bất khuất của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng - Mẹ Suốt.
Với vẻ đẹp nên thơ, bạn sẽ sững sờ trước sự hùng vỹ của núi Đầu Mâu, núi Ba Rền gối đầu lên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng: “Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy, Núi Đầu Mâu cao biết bao tầng…”. Con sông này không quá rộng nhưng luôn mang màu xanh biếc và đủ làm dịu mát một vùng cát trắng; không quá dài nhưng cũng đủ cho những con đò mải mê xuôi ngược. Không còn là khát vọng nối đôi bờ của hàng trăm năm trước, bây giờ trên dòng Nhật Lệ có hai cây cầu, phục vụ giao thương và nơi nối cả ước mơ, khát khao vươn lên của vùng gió Lào, cát trắng.
Thành phố Đồng Hới nằm dọc 2 bên bờ sông Nhật Lệ, trong vòng bán kính 2 đến 3 km tính từ điểm giữa cầu Nhật Lệ, du khách có thể đến thăm các điểm di tích thắng cảnh nổi tiếng của nơi này như: Di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, Lũy Thầy, Quảng Bình Quan, Thăm làng cá Bảo Ninh, xa xa hơn du khách có thể thăm đồi cát Quang Phú, làng cá Nhân Trạch.
Có thể nói, dòng sông Nhật Lệ chứa trong mình bao câu chuyện thăng trầm của lịch sử, và sự huy hoàng của thành phố Đồng Hới. Đến với Nhật Lệ nhìn những chuyến tàu đi khơi, đi lộng về neo đậu trên dòng sông trong sắc trời chiều thơ mộng yên ả, du khách sẽ cảm thấy thật bình yên. Hiện tại dòng sông này đang có nhiều dự án để thu hút du khách, nhưng vì lý do dòng chảy của cửa sông Nhật Lệ và Biển Nhật Lệ nên nhiều dự án dang trong quá trình xem xét…
Sông Kiến Giang: Tiếng hò khoan chèo thuyền đêm trăng
Sông Kiến Giang, là một trong hai phụ lưu lớn của sông Nhật Lệ. Sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sông dài 58km. Đây là dòng sông của những điệu Hò khoan Lệ Thủy, hàng năm vào ngày 2/9 có hội đua thuyền nổi tiếng. Đây là con sông đã chứng kiến sự sinh ra và lớn lên của những nhân vật nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Đăng Tuân, Đặng Đại Lược, Đặng Đại Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo nghiên cứu, hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông Nam, riêng con sông này chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là nghịch hà. Trước đây, hàng năm con sông này gây lũ lụt cho vùng đồng bằng xung quanh do sông dốc, ngắn. Sau khi có đập An Mã ngăn ở thượng nguồn, nạn lũ lụt đã được khống chế. Tuyến Đường sắt Bắc Nam cắt qua con sông này tại cầu Mỹ Trạch. Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, cầu Mỹ Trạch là nơi chứng kiến thảm sát Mỹ Trạch đẫm máu. Nơi dân làng Mỹ Trạch bị quân Pháp đưa ra cầu xử bắn, nơi đây ngày nay vẫn còn "Bia căm hờn" ghi lại tội ác này.
Dòng sông này cũng mang đến phù sa bồi đắp, tạo nên cánh đồng trú phú, nổi danh với câu ca: Nhất Đồng Nai, Nhì hai huyện Từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy, ngược dòng Kiến Giang khoảng 10km là đến “vùng đất thiêng”, nơi có lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700), người mở cõi khai sáng miền đất phương Nam của nước Việt thế kỷ 17. Đi quá vài trăm mét là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Tiến sĩ Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407), vị tướng tài ba, người khai phá, mở mang lưu vực dòng Kiến Giang. Qua phía tả ngạn dòng sông là lăng mộ Hiệp Biện Đại học sĩ Võ Trọng Bình (1808 - 1898), vị quan nức tiếng thanh liêm... Trong vòng chưa đến một cây số vuông, qua mấy thế kỷ, ba vị quan tướng trụ cột của triều đình cùng yên nghỉ nơi này…
Dòng Kiến Giang cũng chính là dòng sông văn hóa, vào ngày 2/9 hằng năm, người dân vùng Lệ Thủy nô nức mở hội đua thuyền trên trên sông. Đây là lễ hội mừng tết độc lập, và cũng được xem như là cái tết thứ 2 của người dân vùng đất này. Nên những người con Lệ Thủy xa quê đều háo hức trở về quê mẹ, để nghe điệu hò khoan trên sông, để cổ vũ cho đua thuyền mừng tết độc lập.
Tour du lịch ngược dòng Kiến Giang và hò khoan trên sông cần được nghiên cứu và đưa vào khai thác. Các tuyến điểm chiến khu Bang Rợn, ngầm Thác Cóc, cần được các công ty du lịch xem xét và khai thác, rồi ngược lên thượng nguồn sông, khách du lịch có thể ghé thăm Nhà lưu niệm vị tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.. và nghe điệu Hò khoan văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Cần khai thác tiềm năng của tuyến du lịch sông nước
Những dòng sông Du lịch Quảng Bình đều mang trong mình bao câu chuyện của sử thi, văn hóa; và đây là những dòng sông mang vẻ đẹp mê hoặc, cuộc sống của người dân đôi bờ cũng là những câu chuyện văn hóa và thi nhân. Tuy nhiên, để khai thác và đem vào phục vụ du khách là điều cần bàn đến. Hiện nay, Sông Son, là phục vụ du lịch hiệu quả nhất, còn các dòng sông khác các tour đang trong giai đoạn thử nghiệm…
Hy vọng trong thời gian sắp tới, du lịch Quảng Bình cần mở rộng và khai thác các tuyến điểm về du lịch trên những dòng sông này. Ông Lê Chiêu Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Quảng Bình nói: “Chúng tôi rất mong muốn các công ty lữ hành tìm hiểu, khai thác các tuyến điểm trên các dòng sông này… đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong tuyến điểm tại Quảng Bình. Nếu đưa du lịch đường sông vào khai thác, thì du khách sẽ có thời gian lưu trú lâu hơn tại Quảng Bình và người dân được hưởng lợi nhiều hơn nhờ vào du lịch”.
Thanh Loan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhung-dong-song-tho-mong-o-quang-binh-tiem-nang-du-lich-song-nuoc-khong-the-bo-phi-a10313.html