Phú Thọ: Cơ quan quản lý nào kiểm soát khối lượng khoáng sản khai thác tại các mỏ?

Là địa phương có nhiều con sông lớn chảy qua, với lượng phù sa và cát bồi lắng, Phú Thọ được xem là tỉnh có trữ lượng khoáng sản cát, sỏi phong phú. Thế nhưng, hiện nay, nhiều mỏ cát đang có tình trạng khai thác vượt công suất, trữ lượng so với giấy phép. Việc kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan quản lý liên quan còn chưa đồng bộ từ đó gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ thất thoát tài nguyên, tiền thuế mà còn gây ô nhiễm môi trường…

Theo kết quả công tác điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản đã thực hiện đến nay cho thấy nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với trên 5.000 mỏ, điểm quặng của 60 loại khoáng sản khác nhau; có một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

cat-vt-1-nql-1681699010.jpg
Lợi dụng vào việc được cấp phép khai thác mỏ để khai thác vượt công suất, trữ lượng so với giấy phép.

Tuy nhiên, hiện nay một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản còn ưu tiên chạy theo lợi nhuận kinh tế, lợi dụng vào việc được cấp phép khai thác mỏ để khai thác vượt công suất, trữ lượng so với giấy phép gây thất thoát tài nguyên, tiền thuế cho nhà nước và gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng được Phóng viên Nhà Quản lý ghi nhận 4 tháng qua về hoạt động khai thác tại một số mỏ khai thác cát tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lợi dụng “lá bùa” giấy phép khai thác vượt phép

Lần theo thông tin phản ánh của độc giả về hoạt động khai thác cát có dấu hiệu vượt công suất, trữ lượng so với giấy phép, gây ô nhiễm môi trường tại 2 điểm mỏ tại phường Minh Nông và phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Phóng viên Tạp chí Nhà Quản lý đã có mặt tại các địa điểm nêu trên 4 tháng để xác minh và ghi nhận thực tế thông tin phản ánh.

Công ty CP khoáng sản Tây Bắc được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 69 ngày 30/9/2022. Doanh nghiệp này khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát lòng sông Hồng thuộc địa bàn phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Với diện tích khu vực khai thác 8,28 ha, trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác 362.964 m3, trữ lượng khai thác là 323.896 m3, công suất khai thác 36.300 m3/năm.

cat-vt-2-nql-1681699010.jpg
Khi một tàu sắp “no cát” thì một tàu khác đã có mặt để chờ “ăn cát”.

Tuy nhiên, theo phản ánh và tư liệu ghi nhận được thì việc khai thác lại gấp nhiều lần so với công suất, trữ lượng được cấp trong giấy phép. Thực tế, theo ước tính tại điểm mỏ có 2 tàu hút (PT-1689; PT-1627) hoạt động hết công suất từ 7h sáng đến 17h chiều (10 tiếng/ngày) ước chừng từ 45 phút đến 1 tiếng (tính cả thời gian cập mạn và dời đi) sẽ hút đầy 1 tàu có khối lượng giao động từ 200 m3 – 300 m3. Từ đây, ước tính được mỗi tiếng thấp nhất 1 tàu sẽ khai thác được 200m3 cát, hai tàu là 400m3, một ngày khai thác được 4.000m3 đem nhân với giá bán cát thấp nhất là 25.000 đ/m3, thì chỉ cần 1 tuần Công ty CP khoáng sản Tây Bắc đã khai thác gần hết trữ lượng được phép khai thác cả một năm.

cat-vt-3-nql-1681699010.jpg
Ngay sau khi tàu “ăn no cát” rời đi thì sẽ có một tàu cập mạn tàu hút để được “ăn cát”.

Cũng theo tư liệu ghi nhận được, thì một ngày cũng có hàng loạt các tàu có số hiệu khác nhau vào “ăn cát” tại mỏ khai thác cát của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc chứ không chỉ có 2 tàu (Tây Bắc 01-PT0675; Tây Bắc 03-PT0840) như thông báo kế hoạch khai thác cát lòng sông Hồng mà ông Bùi Huy Tam - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP khoáng sản Tây Bắc gửi đến các cơ quan quản lý của tỉnh Phú Thọ.

cat-vt-4-nql-1681699010.jpg
Dàn tàu chờ đợi được “ăn cát” tài điểm mỏ cát lòng sông Hồng - Minh Nông 2.

“Mạnh mẽ” hơn Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc, 2 tàu ( PT-2414; PT-2400) hút của Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ chỉ cần từ 15 đến 20 phút (tính cả thời gian cập mạn và dời đi) đã cho một tàu 200m3 “ăn no” cát, trong khi theo giấy phép chỉ cho phép sử dụng công nghệ khai thác sử dụng 2 tàu cuốc công suất 25m3/giờ (hoặc 02 tàu hút công suất 25m3/giờ hoặc 02 cẩu gầu dây dung tích gầu 0,8 m3).

Như vậy, ước tính với 2 tàu khai thác 10 tiếng/ ngày, một ngày Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ khai thác được 4.000m3 đem nhân với giá bán cát khoảng 25.000 đ/m3, thì một ngày công ty này cũng thu được cả trăm triệu đồng.

Từ những căn cứ nêu trên thì cũng ước tính được chỉ cần chưa đầy 2 tuần khai thác, thì Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ đã khai thác hết 39.000m3/ năm cát xây, trát chứ không cần “vất vả” tới 1 năm để khai thác hết khối lượng của một năm khai thác theo như trữ lượng được cấp phép khai thác.

cat-vt-5-nql-1681699010.jpg
Các tàu đua nhau ra vào “ăn cát”.

Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 02 ngày 06/01/2023. Cụ thể, công ty này khai thác khoáng sản (cát lòng sông) tại mỏ cát lòng sông Hồng - Minh Nông 2, thuộc phường Minh Nông, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, với diện tích khu vực khai thác là 17,13 ha; mức sâu được phép khai thác từ coste +4,0m đến coste +5,0m theo các khối địa chất; trữ lượng khoảng sản đưa vào thiết kế khai thác là 370.854 m3 cát xây, trát; trữ lượng khoáng sản được phép khai thác là 370.854 m cát xây, trát; công nghệ khai thác sử dụng 2 tàu cuốc công suất 25m3/giờ (hoặc 02 tàu hút công suất 25m3/giờ hoặc 02 cẩu gầu dây dung tích gầu 0,8 m3); công suất khai thác là 39.000 m3/năm. Thời hạn khai thác mỏ: 10 năm, kể từ ngày cấp giấy phép khai thác.

cat-vt-6-nql-1681699010.jpg
Ánh đèn thành phố đã lên nhưng những vòi bạch tuộc vẫn cắm sâu “móc ruột” lòng sông.

Trong giấy phép cũng nêu rõ thời gian được khai thác trong ngày là từ 07 giờ sáng đến 17 giờ chiều; không được khai thác ban đêm. Ấy vậy, Phóng viên Tạp chí Nhà Quản lý lại ghi nhận được cả những buổi “tăng ca” tại điểm mỏ khai thác cát của Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ, khi thành phố lên đèn tưởng chừng là lúc các “thợ mỏ chốt sổ” tắt máy nghỉ ngơi. Nhưng không, hòa chung ánh đèn của thành phố, tiếng máy hút cát của Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ vẫn đua nhau gào rú “moi ruột” lòng sông.

Theo điều 227, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Cần đồng bộ trong quản lý khoáng sản

Trao đổi về công tác quản lý địa phương, liên quan đến các dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác cát tại điểm mỏ của Công ty CP khoáng sản Tây Bắc, ông Tạ Xuân Hợp - Chủ tịch UBND phường Bến Gót cho biết: Về phía UBND phường, các cán bộ gặp rất nhiều khó khăn khi quản lý hoạt động khai thác cát trên sông vì lý do địa hình, phương tiện di chuyển, lực lượng giám sát... Cán bộ phường chỉ theo dõi, giám sát được các tàu có hoạt động đúng thời gian đã đăng ký trong giấy phép hay không? Còn về trữ lượng khai thác của các tàu thì không thể nào quản lý được vì thiếu đơn vị đo lường định lượng. Thêm nữa, cán bộ phường cũng chỉ kiểm soát được các phương tiện khai thác tại mỏ, về phần các phương tiện vận chuyển ra vào mỏ thì không tài nào giám sát hết được.

Tương tự, khi trao đổi về các dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác cát tại điểm mỏ của Công ty TNHH MTV Nhật Linh Phú Thọ, ông Nguyễn Quang Chung - Chủ tịch UBND phường Minh Nông cũng nêu khó khăn: Khi nhận được thông tin phản ánh, phía UBND phường cũng đã bố trí lực lượng tiến hành kiểm tra nhưng lại không ghi nhận được thực trạng này. Có thể là sau khi các mỏ khai thác biết phường đi kiểm tra thì đã dừng hoạt động. Với điều kiện của địa phương về trang thiết bị còn hạn chế, rất khó để có thể kiểm tra, đôn đốc các đơn vị khai thác theo đúng quy định.

Theo ông Chung, để có thể phối hợp với các lực lượng chức năng khác có phương tiện giám sát thì phường phải gửi công văn đề xuất cho các đơn vị nhưng cũng chỉ gửi được công văn tới các cơ quan ngang cấp mà thôi. Vì vậy, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng quản lý còn khó khăn, khiến cho công tác giám sát chưa được đầy đủ, chặt chẽ.

Để có thông tin khách quan nhất về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản cát tại thành phố Việt Trì, Tạp chí Nhà Quản lý đã cử Phóng viên liên hệ với UBND thành phố Việt Trì nhưng cũng chỉ được cung cấp được một số tài liệu liên quan đến hoạt động khai thác tại 2 điểm mỏ. Về công tác quản lý, giám sát hoạt động sau khi 2 điểm mỏ được cấp phép khai thác thì Phóng viên không nhận được phản hồi từ phía UBND thành phố.

cat-vt-7nql-1681699473.jpg
Cần tăng cường giám sát nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông Hồng

Có thể nói, quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực… Việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện khiến dư luận nghi vấn về sự câu kết giữa các "nhóm lợi ích" trong thực thi, cũng như quản lý khai thác tài nguyên.

Phối hợp đồng bộ, tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động cấp phép và khai thác khoáng sản sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách, hạn chế đáng kể "nhóm lợi ích" trục lợi. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với các "nhóm lợi ích" để biến tài nguyên khoáng sản thành đặc quyền, đặc lợi.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 81 - Luật Khoáng sản quy định như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương;

b) Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền;

c) Lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định của Chính phủ;

d) Công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép;

đ) Cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền;

e) Giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;

h) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;

i) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;

k) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;

c) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Hoàng Pháp - Mai Phương - Trung Dương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/phu-tho-co-quan-quan-ly-nao-kiem-soat-khoi-luong-khoang-san-khai-thac-tai-cac-mo-a10206.html