Theo đó, tổ công tác phải báo cáo kết quả cho Phó Thủ tướng trước ngày 15/4. Việc lập tổ công tác này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (mã: NVL; Novaland) hiện có hai dự án lớn có diện tích hơn 1.000 ha tại Đồng Nai (dự án Aqua City) và Bình Thuận (NovaWorld Phan Thiết) đang gặp nhiều vướng mắc.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về “tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” giữa tháng 2, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland đã có kiến nghị tới Thủ tướng chọn Aqua City làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong thời hạn một tháng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu của Novaland cũng mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành một quy định cho phép các nhà băng giãn, hoãn 2-3 năm và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản.
Đồng thời, đề nghị có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường và các ngân hàng thương mại nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông lớn BĐS phía Nam này cũng thừa nhận đang đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động khó lường. Bên cạnh đó, đã áp dụng mọi biện pháp có thể để giữ uy tín với khách hàng, trái chủ, các bên cho vay, nhà thầu và nhà cung cấp. Tuy nhiên, công ty vẫn không thể thực hiện việc thanh toán theo kế hoạch do tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và tài khoản tiền mặt của các dự án đang bị tạm khóa tại ngân hàng.
Vào tháng 2/2023, ông Nhơn đã gửi tâm thư đến các bên cho vay, khẳng định tái cấu trúc toàn diện dưới sự tư vấn của nhiều đối tác trong và ngoài nước. Ông Nhơn cũng cam kết "sẽ hành động đồng bộ để tái khởi động các dự án, tháo gỡ pháp lý cho các dự án, hoàn thiện xây dựng để bàn giao nhà cho khách hàng".
Sau khi có thông tin Chính phủ đề nghị lập tổ công tác giải quyết vướng mắc tại các dự án ở tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận của Novaland. Mã cổ phiếu NVL tăng mạnh trong cuối phiên chiều 11/4, đạt 14.200 đồng một đơn vị. Đây cũng là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường với gần 850 tỷ đồng.
Không chỉ Novaland, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản chiều 11/4 cũng ghi nhận tăng trưởng sau phiên sáng ảm đạm.
Liên quan đến hoạt động của Novaland, vào cuối tháng 3/2023, cổ đông của doanh nghiệp này đã thông qua tất cả 7 tờ trình, với 99,4% tổng số cổ phần biểu quyết hợp lệ. Theo đó, cổ đông Novaland đã thông qua việc phát hành cổ phiếu và nếu thành công, vốn của doanh nghiệp bất động sản này sẽ tăng gấp 2,5 lần lên 48.750 tỷ đồng.
Cụ thể, có 2 phương án tăng vốn đã được cổ đông thông qua.
Thứ nhất, cổ đông Novaland đã thông qua tờ trình về việc phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền thu về nếu chào bán thành công 100% lượng cổ phiếu tối thiểu 9.750 tỷ đồng.
Số tiền huy động được sẽ được dùng để đầu tư góp thêm vốn vào công ty con nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn. Đồng thời, được dùng để thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư và nhằm thanh toán các khoản phải nộp Nhà nước của công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Thứ hai, cổ đông Novaland cũng thông qua tờ trình về việc Novaland sẽ chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới) với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Nếu thành công, Novaland sẽ thu về tối thiểu 19.500 tỷ đồng.
Tiền được thu về trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến sẽ được sử dụng nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; thanh toán chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện hai phương án trên đều trong năm 2023 hoặc theo quyết định của HĐQT Novaland sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Trong trường hợp cả hai phương án phát hành đều được thông qua và thực hiện thành công 100%, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp 2,5 lần, thêm hơn 29 nghìn tỷ đồng (hơn 1,2 tỷ USD) từ gần 19.500 tỷ lên 48.750 tỷ đồng.
Ngoài ra, Novaland cũng vừa đạt được thỏa thuận cực lớn liên quan đến việc gia hạn 2 lô trái phiếu. Theo đó lô trái phiếu NVLH2124002 do Novaland phát hành ngày 26/4/2021 trị giá 250 tỷ đồng do CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đại diện sở hữu được chuyển từ trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền sang trái phiếu không chuyển đổi, được bảo đảm bằng cổ phần của CTCP Tập đoàn Nova Consumer (Mã: NCG) và không kèm chứng quyền.
Kỳ hạn trái phiếu được điều chỉnh kéo dài đến ngày 10/3/2025 thay vì đáo hạn vào ngày 26/4/2024. Lãi suất cố định của lô trái phiếu là 11,5%/năm thay vì mức 10,5% trước đó. Toàn bộ tiền lãi trong thời gian điều chỉnh ngày đáo hạn sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn.
Lô trái phiếu NVLH2224006, thời gian đáo hạn được gia hạn thêm 2 năm, đến ngày 15/3/2026. Lô trái phiếu này do Novaland phát hành ngày 15/3/2022 có kỳ hạn 24 tháng và lãi suất 10,5%/năm. NVLH2224006 do CTCP Chứng khoán Dầu khí đại diện sở hữu có giá trị 1.500 tỷ đồng được gia hạn chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn.
Trái chủ cũng chấp thuận việc gia hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu đến ngày cuối cùng của thời gian thanh toán nợ với lãi suất cố định 11,5% mỗi năm. Đồng thời, Novaland sẽ thanh toán trước 20% tiền lãi đến hạn và phần tiền lãi còn lại sẽ trả cùng với tiền gốc vào cuối thời gian thanh toán nợ.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa thông báo đã có 2 người được đề cử vào Hội đồng quản trị là bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước.
Cao Tuấn