Lênh đênh sóng nước
Sống với chính cái nghề ông cha để lại theo kế nghiệp cha truyền con nối, những người dân ở xã Bảo Ninh và phường Hải Thành (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), vẫn cứ bám trụ trên những con thuyền trôi dạt lênh đênh làm nghề thả lưới buông câu, bắt con tôm, con cá, cua ghẹ để mưu sinh trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Với tuổi đời ngoài 60 có thâm niên trong nghề cũng gần 40 năm, ông Phạm Anh Tuấn (sống tại xã Bảo Ninh) thân hình vẫn vạm vỡ, nước da nâu chắc khỏe đầy vị muối của sóng nước Nhật Lệ vẫn cứ miệt mài từng tay lưới thả cá trên dòng sông.
Nhìn vào đôi bàn tay ấy, không nghĩ ông đã nhiều tuổi nhưng vẫn khỏe đến vậy. Ông cho biết: “Ngày trước lúc phương tiện đánh bắt đang còn thô sơ, hằng ngày tôi cùng cha tôi dùng chèo tay bằng gỗ. Một người chèo, một người thả lưới, hết đoạn lưới này tiếp đoạn khác. Cứ thế, kéo lưới dài từ cửa biển Nhật Lệ đến cuối làng cũng mất hết buổi sáng.
Buổi trưa, tranh thủ vào ăn cơm nghỉ trưa tầm 1 tiếng rồi ra thu lưới, không phải lúc nào cũng “trúng mẻ. Có những ngày vất vả là vậy, nhưng cũng chỉ có vài ba con cá, bây giờ phương tiện hiện đại, dùng máy móc thay cho chèo tay cũng đỡ phần nào. Phương tiện đánh bắt đa dạng, có cả rập và câu, nên cuộc sống đã ổn định hơn lúc xưa. Khách du lịch về tắm biển Bảo Ninh muốn lên thuyền câu trải nghiệm tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn, tạo sự thân thiện giữa người dân và du khách, góp phần cho việc quảng bá hình ảnh du lịch trải nghiệm với bạn bè quốc tế, thực hiện theo chỉ đạo của Sở Du lịch: “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Trải dài từ cầu Nhật Lệ 1 tới cầu Nhật Lệ 2, có tới vài chục rớ quay tạo nên một nét đẹp mộc mạc. Đó chính là công cụ mưu sinh chính của ngư dân, tạo ra những thay đổi cho cuộc sống và du lịch trải nghiệm của tỉnh Quảng Bình.
Vợ chồng ông Quý (ở phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) giành cả cuộc đời gắn bó với nghề này trong cái chòi nhỏ tạm bợ nằm cạnh mép sông. Ông tâm sự: “Từ lúc cưới nhau về cho tận bây giờ cũng đã 30 năm, vợ chồng tôi hằng ngày cứ ra quay rớ mưu sinh, chồng bắt cá, tôm vợ lại mang ra chợ bán. Lúc trước rớ phải quay bằng tay, chiều dài 20 sải (30 mét). Phải đợi 45 phút mới cất mẻ tiếp theo! Bây giờ tuổi đã cao, nhờ có máy móc hỗ trợ nên việc quay rớ cũng khá dễ dàng, nhờ nó vợ chồng tôi cũng đủ để sinh hoạt nuôi các con ăn học thành đạt. Nhiều du khách mỗi lần tham quan nghỉ dưỡng tại thành phố Đồng Hới muốn lên chòi để thử trải nghiệm cách cất rớ. Chúng tôi vẫn nhiệt tình hướng dẫn cho họ. Du khách vui là tôi cũng vui. Tôi mong muốn những hình ảnh bình dị hằng ngày trong cuộc sống của ngư dân được nhiều du khách biết tới, để góp phần quảng bá nhiều hơn hình ảnh cho du lịch Quảng Bình”.
Chính những con thuyền nhỏ đánh bắt tôm cá trên sông đã mang lại sự khởi sắc cho xã Bảo Ninh và phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) có sự thay đổi rõ rệt về điều kiện kinh tế và cuộc sống.
Từ thuyền câu nhỏ đánh bắt trên sông Nhật Lệ, các ngư dân đã làm nên thuyền lớn, có sự đầu tư về trang thiết bị và phương tiện đánh bắt vượt sông ra khơi, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi biển kéo dài 2 tuần. Các ngư dân vẫn không quên nghề truyền thống của gia đình để lại như câu nói đùa họ vẫn thường chia sẻ với nhau: “Trẻ thì bám biển xa khơi, lúc già sức yếu rớ cần tiêu dao”.
Cần có trải nghiệm “lạ” cho du lịch Quảng Bình
Ngoài những điểm đến du lịch nổi tiếng của Quảng Bình, mỗi lần du khách tới tham quan nghỉ dưỡng tại thành phố hoa hồng, vẫn mong muốn được trải nghiệm những khác biệt để gần gủi với cuộc sống của ngư dân, cùng nhau tìm hiểu cách đánh bắt thủy hải sản là đặc sản của địa phương.
Để thực hiện được điều đó cần có sự phối hợp giữa các sở ban nghành và ngư dân, lồng ghép giữa các điểm tham quan với nghề cất rớ, câu cá, câu mực vào đó, làm đa dạng thêm về các hoạt động du lịch.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Quý (Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình) cho biết: “Tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch Quảng Bình là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google và mạng xã hội. Ngoài những ưu ái thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình về các Di sản bên cạnh đó Sở Du lịch cũng thúc đẩy khuyến khích một người dân là một hướng dẫn viên, một Đại sứ Du lịch, điều này mang tính tất yếu cho sự phát triển du lịch góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế cho tỉnh nhà”.
Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong lĩnh vực du lịch. Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 – 2025. Phương án tổ chức hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch trong năm 2023.
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã có những bước chuyển mới trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư công để đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật. Tạo kết nối thuận lợi giữa các khu, điểm, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành phố khác để phát triển du lịch trong nước và quốc tế; rà soát, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá tạo được sự cuốn hút cho du khách trong nước và quốc tế.
Ngô Sinh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/muu-sinh-ket-hop-lam-du-lich-tren-song-nhat-le-a10152.html