Lợi nhuận sau thuế sụt giảm, kinh doanh “bết bát” nhưng lãnh đạo PDR vẫn nhận lương “khủng” trong năm 2022

Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 sau kiểm toán với một số chỉ tiêu được điều chỉnh.

Theo đó, năm 2022, doanh thu tài chính của PDR được kiểm toán và điều chỉnh tăng từ 1.266 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 1.371 tỷ đồng. Về chi phí tài chính, doanh nghiệp này cũng ghi nhận tăng từ 638,4 tỷ đồng lên 759, 7 tỷ đồng sau kiểm toán.

Đối với lợi nhuận sau thuế, PDR có sự sụt giảm còn 1.160 tỷ đồng trong năm 2022. Vào năm 2021, PDR có lợi nhuận sau thuế là 1.860 tỷ đồng.

Lãnh đạo Phát Đạt cho biết, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh là do khó khăn chung của toàn thị trường BĐS. Việc đầu tư kinh doanh BĐS trong năm qua không thuận lợi. Bên cạnh đó, còn do chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của doanh nghiệp.

Thời gian qua, PDR đã rất tích cực trong việc M&A các công ty. Trong năm 2022, báo cáo tài chính kiểm toán có thuyết minh chi tiết tới 2 thương vụ M&A phát sinh trong năm của Phát Đạt.

337535612-1331253294122970-8162665822504065351-n-1680561582.jpeg
Năm 2022, ghi nhận lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của PDR sụt giảm.

Cụ thể, Phát Đạt đã chuyển nhượng cổ phần và không còn kiểm soát đối với Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Địa ốc Sài Gòn). Từ ngày 30/9/2022 đến 18/10/2022, Phát Đạt đã chuyển nhượng 72% cổ phần Địa ốc Sài Gòn cho các nhà đầu tư khác. Thương vụ này của Phát Đạt có tổng giá trị là 2.736 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu từ 99,86% xuống 27,86%.

Nhờ đó PDR đã ghi nhận khoản lãi 1.363 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng này. Có lãi từ việc chuyển nhượng Địa ốc Sài Gòn, nhưng PDR lại lỗ khi đầu tư vào Công ty CP Địa ốc Hoà Bình.

Cụ thể, từ ngày 8/7/2022 đến 25/11/2022, PDR đã lần lượt mua tổng cộng 88,99% vốn góp Địa ốc Hòa Bình từ các cổ đông cũ với tổng giá mua là 1.290 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến ngày 02/12/2022 tức chỉ khoảng 1 tuần sau, PDR đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu tại công ty này với tổng giá trị 1.090 tỷ đồng, tương ứng ghi nhận khoản lỗ 200 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, PDR cũng đã thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) khác. Đơn cử như ngày 13/2/2023, PDR đã mua thêm 18.000 cổ phần trong số 15 triệu cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Kinh doanh và Dịch vụ BĐS Phát Đạt, dẫn tới tỷ lệ sở hữu của PDR tại đây giảm từ 51% xuống 27%.

Ngày 27/2/2023, PDR mua thêm toàn bộ số cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Đầu tư Bắc Cường nên số cổ phần sở hữu của PDR tại Bắc Cường sẽ tăng từ 19,8 triệu cổ phần lên 49,5 triệu cổ phần. Ngoài ra, ngày 29/3 vừa qua, PDR cũng đã chấp thuận mua lại cổ phần của các cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, tỷ lệ sở hữu tăng từ 68% lên 99,8%.

Xét về mảng kinh doanh cốt lõi, năm 2022 PDR vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung của thị trường. Lợi nhuận sau thuế cả năm giảm hơn 37% so với năm trước đó. Tại ngày kết thúc năm, PDR có các khoản lỗ lũy kế với tổng giá trị hơn 216,4 tỷ đồng có thể sử dụng để bù trừ với lợi nhuận phát sinh trong tương lai.

Trong khi hoạt động kinh doanh chưa có nhiều hồi phục thì thu nhập của các Thành viên HĐQT và ban Tổng giám đốc PDR lại tăng mạnh. Tổng cộng PDR đã chi hơn 42 tỷ đồng cho thu nhập của các lãnh đạo cấp cao này trong năm 2022, tăng hơn 21% so với năm trước đó.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT, nhận 11,9 tỷ đồng (năm 2021 là 9,2 tỷ đồng), tương đương thu nhập trung bình hàng tháng lên đến gần 1 tỷ đồng. Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng Giám đốc, cũng nhận thu nhập hơn 7,7 tỷ đồng năm 2022 và bà Trần Thị Hường - Phó Chủ tịch HĐQT, nhận hơn 5 tỷ đồng. Đây là những cá nhân có thu nhập cao nhất trong ban lãnh đạo PDR.

Hồng Vũ

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/loi-nhuan-sau-thue-sut-giam-kinh-doanh-bet-bat-nhung-lanh-dao-pdr-van-nhan-luong-khung-trong-nam-2022-a10116.html