Theo đó, OCB sẽ mở rộng thêm 4 Chi nhánh tại Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Phước, cùng 5 Phòng giao dịch tại Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh và 2 điểm tại Tây Ninh, nâng tổng số đơn vị lên 158, hiện diện tại 43 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.
Ngoài việc đầu tư, xây dựng các CN, PGD mới với cơ sở vật chất hiện đại, quy trình quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, OCB cũng thực hiện di dời, lựa chọn những địa điểm mới nằm tại các tuyến đường trung tâm, đông dân cư nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Năm 2022, ngân hàng đã hoàn tất việc khai trương, đi vào hoạt động 11 CN/ PGD mới và di dời thành công 10 đơn vị.
Việc tiếp tục được NHNN cấp phép mở rộng mạng lưới liên tiếp nhiều năm liền là minh chứng cho hoạt động hiệu quả và bền vững của ngân hàng. Đồng thời, OCB cũng đã đáp ứng đầy đủ các quy định khắt khe về quy mô vốn, hệ số đảm bảo an toàn, có hệ thống quản trị tốt, kiểm soát nội bộ hiệu quả. "Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để ngân hàng gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại của khách hàng không chỉ khu vực thành thị mà cả khu vực nông thôn - nơi các dịch vụ tài chính đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ", đại diện lãnh đạo OCB cho biết.
Hiện nay, công nghệ đang thúc đẩy tiến trình phát triển ngân hàng số của các nhà băng, trong đó OCB được xem là đơn vị tiên phong với nhiều sản phẩm, dịch vụ nổi bật như ứng dụng OCB OMNI, nền tảng vay mua nhà trực tuyến Unlock DreamHome, giải pháp thanh toán số dành cho doanh nghiệp OCB ProPay và mới đây nhất là ngân hàng số thế hệ mới Liobank.
Tuy nhiên việc mở rộng mạng lưới, gia tăng độ phủ để tăng cường sự hiện diện, cung cấp dịch vụ tới khách hàng rộng hơn vẫn luôn được ngân hàng chú trọng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc OCB cho rằng, “mặc dù cả xã hội đều đang hướng tới kênh số và các ngân hàng cũng phải tập trung nguồn lực tối đa cho kênh này nhưng không thể phủ nhận vai trò của các CN, PGD vật lý hiện nay, bởi vẫn còn nhiều nhóm khách hàng có nhu cầu tương tác trực tiếp. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam ở giai đoạn hiện tại vẫn có nhu cầu sử dụng tiền mặt khá lớn nên cần các điểm giao dịch để có thể rút tiền”.
Bên cạnh đó, ông Hương cho biết, tốc độ mở rộng mạng lưới CN, PGD giờ đây sẽ không quá nhanh như trước mà phải hướng đến sự tối ưu. Các CN, PGD sẽ ngày càng “tinh túy” hơn, phục vụ các nhu cầu phức tạp hơn, có tính chuyên môn cao.
“Khách hàng càng chuyển sang giao dịch online thì chi nhánh vật lý càng phải có chất lượng tư vấn, phục vụ khách hàng tốt hơn, luôn phải đổi mới và cung cấp thêm trải nghiệm cho khách hàng, thay vì phục vụ các giao dịch thông thường như đa số hiện nay”, ông Hương nói thêm.
Nhận thức rõ nét về nhu cầu thực tại của khách hàng, hoạt động của các CN, PGD tại OCB luôn được đầu tư, kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng những chuẩn mực cao nhất về sự chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ và không gian giao dịch. Đội ngũ nhân sự cũng được đào tạo bài bản, chọn lựa kỹ càng và vượt qua các kỳ kiểm tra chuyên môn trước khi phục vụ khách hàng.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, OCB luôn chú trọng đến mảng Bán lẻ (Retail Banking) và coi đây là hoạt động cốt lõi. Theo đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, OCB đã và đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tung hàng loạt sản phẩm với mục tiêu cá nhân hóa với từng đối tượng khách hàng.
Với định hướng đúng đắn trong việc hoạch định chiến lược cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm vừa qua, OCB đã nhận được “cú đúp” giải thưởng quốc tế do tạp chí Global Brands Magazine trao tặng gồm “Best Digital Banking Brand” (Thương hiệu Ngân hàng số tốt nhất) và “Excellence in Retail Banking” (Ngân hàng Bán lẻ xuất sắc – Việt Nam 2022).
Quỳnh Lưu
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ocb-duoc-cap-phep-mo-moi-9-diem-giao-dich-trong-nam-2023-a10082.html