Nhiều ngân hàng thương mại lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023

ACB, TPBank và VIB đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023. Riêng ACB, kể từ năm 2015, ngân hàng này mới quay trở lại trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt.

Theo đó, tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của ACB cho biết, nhà “bank” này sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%.Trong đó, 15% là cổ phiếu và 10% là tiền mặt.

Cụ thể, ACB muốn phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022. Dự kiến, ngân hàng này sẽ thực hiện trong quý 3/2023. Sau khi cổ phiếu được phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Trước ACB, 2 ngân hàng khác đã chốt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Vừa qua (21/3), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25%. Thời điểm thanh toán vào ngày 3/4.

ngan-hang-giam-sat-la-gi-1679784657.jpeg
Nhiều ngân hàng thương mại đã chuẩn bị kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.

TPBank cho biết, đã 10 năm đã không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Nguyên nhân, ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu theo yêu của Chính phủ và Ngân hàng (NHNN) bắt đầu kể từ năm 2012.

Đến nay, xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh, cũng như để tri ân cổ đông, HĐQT TPBank đã đưa ra kế hoạch trả cổ tức nêu trên. Quy mô chi trả cổ tức tiền mặt của TPBank lên tới 3.955 tỷ đồng.

Ngày 15/3, Đại hội đồng thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng đã thông qua phương án trả cổ tức tổng tỷ lệ 35% trong năm 2023. Trong đó, 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB cho biết, trước Covid, VIB kiên định và nhất quán chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu do chỉ đạo của NHNN để đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ nền kinh tế. Với kết quả kinh doanh năm 2022, VIB hoàn toàn có thể chia cổ tức tỷ lệ 38%, tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thì chỉ quyết chia tỷ lệ 35%. Thực tế ban lãnh đạo rất quan tâm quyền lợi của cổ đông.

Bên cạnh đó, ngân hàng thường xuyên tham khảo chế độ chia cổ tức của các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Năm sau (2024), nếu không có sự giới hạn của NHNN thì có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.

Động thái chia cổ tức tiền mặt của các ngân hàng diễn ra khi NHNN có chỉ đạo nới lỏng hơn so với những năm trước.

Cụ thể, suốt 3 năm, 2020-2022, NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Trong khi đó, đầu năm 2023, Chỉ thị 01 của NHNN cho biết, "khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ", nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Mặc dù có sự nới lỏng hơn về chỉ đạo, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện chia cổ tức tiền mặt ngay lập tức. Điểm chung của những ngân hàng nói trên là đều có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao trên thị trường. Điều này cho phép họ ngay cả khi chi số tiền lớn để trả cổ tức thì tỷ lệ CAR sau chia vẫn ở mức an toàn.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhieu-ngan-hang-thuong-mai-len-ke-hoach-chia-co-tuc-bang-tien-mat-cho-co-dong-trong-nam-2023-a10059.html