Trước lệnh cấm của Mỹ, Huawei có thể tận dụng vài kẽ hở, tự đầu tư công nghệ hoặc tìm nhà cung cấp khác cho các sản phẩm bán dẫn. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không hề dễ dàng.
Lệnh cấm hiệu lực ngày 15.5 hạn chế đường tiếp cận của Huawei đối với các sản phẩm chip bán dẫn tối quan trọng của công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock
Do lo ngại Huawei có thể lợi dụng kẽ hở để tiếp tục tiếp cận công nghệ của Mỹ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15.3.2020 đã ra thông báo sửa đổi quy định về sản phẩm trực tiếp (Foreign Direct Product Rule), áp dụng lệnh cấm bán hàng cho những công ty Trung Quốc trong danh sách cấm (Entity List) đối với cả các công ty bán dẫn nước ngoài. Quy định mới này sẽ ngăn cản các công ty trên khắp thế giới sử dụng thiết bị và phần mềm xuất xứ Mỹ để thiết kế và sản xuất chip cho Huawei và 114 công ty con. Các công ty bán dẫn có thể nộp đơn xin giấy phép để tiếp tục bán hàng, nhưng gần như chắc chắn đơn yêu cầu sẽ bị từ chối. Quy định có hiệu lực từ ngày 15.5, với thời hạn chấp hành được lùi 120 ngày (tức hết ngày 14.9.2020) đối với các sản phẩm đang trong quá trình sản xuất.
Huawei đã không thể tiếp cận các công ty bán dẫn Mỹ như Intel, AMD, Broadcom, Qualcomm, Texas Instruments, hay Micron. Do lệnh cấm mới, Huawei càng khó khăn hơn để có được nguồn chip từ các nhà cung cấp nước khác như TSMC (Đài Loan) để dùng trong các cột thu phát sóng di động, máy chủ và cả các sản phẩm điện thoại thông minh. Lần đầu tiên, Huawei chính thức lên tiếng phản đối hành động của chính quyền Mỹ trong thông cáo báo chí ngày 18.5, cho rằng quyết định mới này là “độc đoán và nguy hiểm, đe dọa làm suy yếu toàn bộ ngành công nghiệp trên toàn thế giới”. Quy định này sẽ tác động đến việc mở rộng, bảo trì và hoạt động liên tục của các hệ thống mạng trị giá hàng trăm tỉ USD mà Huawei đã triển khai ở hơn 170 quốc gia.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quy định mới của chính quyền Mỹ có thể vẫn không đạt được mục tiêu kìm hãm hoàn toàn Huawei tiếp cận với công nghệ bán dẫn, mà chỉ khiến các nhà cung cấp của Huawei tìm đường vòng để giao hàng đến các cơ sở tại nước ngoài khác. Chuỗi cung ứng ngành bán dẫn quá lớn và được thực hiện qua rất nhiều khâu trung gian, khiến các nhà cung cấp có thể viện cớ rằng họ không biết sản phẩm cuối cùng dành cho Huawei. “Làm sao biết được đơn hàng đi đến đâu khi bán cho nhà phân phối?”, theo Willy Shih, một chuyên gia công nghệ tại Trường Kinh doanh Harvard. Nhưng việc giả vờ không biết sẽ không khả thi với các sản phẩm thiết kế riêng theo yêu cầu, theo ông Paul Triolo, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group.
Đăng nhập
* Đăng ký tài khoản để đọc bài viết ngay
* Hoặc nâng cấp tài khoản Premium để đọc toàn bộ bài viết trên trang nhaquanly.vn và tải báo cáo từ MIU https://special.themanager.vn/
BÁO CÁO SẮP RA MẮT